Khái quát Bát hổ

Từ thời xa xưa, các hoàng đế Trung Hoa thường sử dụng hoạn quan vào những việc hầu hạ, bảo vệ tin cẩn trong hậu cung nhằm đảm bảo huyết thống của mình không bị pha tạp. Dần dần, các hoạn quan được dùng mở rộng không chỉ hầu hạ cho hoàng đế, mà còn cho cả các thành viên hoàng tộc khác, bao gồm các phi tần, hoàng tử, công chúa.[2]

Tuy vậy, sự thân cận này lại dễ dàng biến các hoạn quan trở thành những thế lực đáng sợ đối với các vương triều. Ngay từ thời Tần, hoạn quan Triệu Cao đã lợi dụng sự thông đồng của Thừa tướng Lý Tư để sử di chiếu của Tần Thủy Hoàng để đưa hoàng tử Hồ Hợi lên ngôi. Triệu Cao còn đi xa hơn khi tìm cách diệt trừ Lý Tư, thậm chí giết cả Tần Nhị Thế và mưu đồ tự lập làm hoàng đế. Mặc dù ý định của Triệu Cao cuối cùng cũng bị dập tắt do vua bù nhìn Tần Tử Anh kịp thời ra tay trước, nhưng hậu quả sự lũng đoạn của Triệu Cao đối nhà Tần đã góp phần không nhỏ đưa nhà Tần đến diệt vong.

Các triều đại sau đó dù cố gắng học bài học này, nhưng hầu như không có tác dụng. Thời Đông HánThập thường thị, thời Đường có đến 7 hoàng đế do các hoạn quan lập nên.[3]

Minh Thái Tổ khi lập quốc, đã cố gắng học bài học từ các triều trước, cho lập bia sắt quy định ngăn cản ngoại thích và hoạn quan can dự vào triều chính.[3] Bất chấp các biện pháp này, các hoàng đế nhà Minh về sau đều dung túng cho hoạn quan, và nhà Minh trở thành triều đại mà ảnh hưởng của các hoạn quan đạt đến đỉnh cao.[2] Vào cuối thế kỷ XV, có hơn 1 vạn hoạn quan làm việc trong triều đình và nội cung.[4]

Khi loạn Tĩnh Nan nổ ra, Yên vương Chu Đệ đã nhờ vào rất nhiều sự giúp đỡ của các hoạn quan mà đoạt được ngai vàng. Vì vậy, ngay khi lên ngôi, ông đã trọng dụng các hoạn quan để làm đối trọng với các văn quan võ tướng. Các hoạn quan thân tín của hoàng đế bắt đầu được bổ nhiệm vào các chức vụ chỉ huy cấm quân, chỉ huy quân đội, khâm sai triều đình, thậm chí cầm đầu các phái bộ ở nước ngoài.[2] Quan trọng nhất, các hoạn quan còn kiểm soát các cơ quan mật vụ đầy quyền lực của hoàng đế, điều đó có nghĩa là họ có thể kiểm soát quốc gia thông qua tống tiền và tham nhũng.[5]